Việt Nam là một thị trường tiềm năng của các loại đồ uống có cồn khi mà mức tiêu dùng mặt hàng này ngày càng tăng. Vậy nên, hiện nay ngày càng có nhiều nhà kinh doanh quan tâm đến lĩnh vực này và mong muốn thành lập công ty kinh doanh đồ uống có cồn.
CơSở Pháp Lý
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Nghị định 17/2020/NĐ-CP
- Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu
- Thông tư 15/2020/TT-BTC
- Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019
- Luật an toàn thực phẩm 2010
Khái Niệm
- Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
- Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích.
- Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.
- Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.
- Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.
- Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu bằng máy móc, thiết bị công nghiệp.
Điều Kiện Thành Lập Công Ty Kinh Doanh Đồ Uống Có Cồn
Điều kiện sản xuất rượu công nghiệp
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
- Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.
- Đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu.
- Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
Điều kiện sản xuất rượu thủ công
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.
Điều kiện đối với cơ sở sản xuất bia
a) Điều kiện về Thiết kế, bố trí nhà xưởng: Có ngăn cách, cách biệt giữa các khu vực: Kho (nguyên liệu, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản sản phẩm); sản xuất (sơ chế, làm sạch và xử lý nguyên liệu, đường hóa, nhân men giống, lên men, lắng, lọc, chiết rót và hoàn thiện sản phẩm); hệ thống vệ sinh công nghiệp (CIP); cơ khí động lực; tập kết chất thải rắn và hệ thống thu gom xử lý nước thải; các công trình phụ trợ để tránh lây nhiễm chéo;
b) Điều kiện về Kết cấu nhà xưởng:
- Khu vực xay, nghiền nguyên liệu đảm bảo không gây bụi ra môi trường xung quanh và không ảnh hưởng đến các công đoạn sản xuất khác;
- Khu vực nhân men giống phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, phù hợp yêu cầu công nghệ, thuận tiện cho việc vệ sinh và khử trùng;
c) Khu vực lên men:
- Trường hợp thực hiện quá trình nhân giống nấm men tại nơi sản xuất: Khu vực nhân giống phải đảm bảo vô trùng, có trang bị hệ thống diệt khuẩn, có chế độ kiểm soát các thiết bị để đảm bảo chất lượng men giống;
- Trường hợp không thực hiện giai đoạn nhân giống nấm men tại nơi sản xuất thì phải có các trang thiết bị đảm bảo an toàn tránh nhiễm khuẩn trong quá trình tiếp giống.
d) Khu vực lọc và chiết rót: Phải bố trí riêng biệt, đảm bảo vô trùng, tránh côn trùng và lây nhiễm chéo từ các nguồn ô nhiễm xung quanh;
đ) Hệ thống cung cấp nước sản xuất: Nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn dùng để nấu bia phải được chứa đựng trong các thiết bị riêng, đảm bảo không bị thôi nhiễm, không bị nhiễm bẩn hoặc nhiễm vi sinh vật từ các nguồn nhiễm khác.
e) Hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải: để tránh lây nhiễm chéo trong quá trình sản xuất;
g) Hệ thống kho: Đảm bảo đủ sức chứa theo công suất thiết kế của dây chuyền sản xuất;
h) Hệ thống kiểm soát chất lượng nguyên liệu và sản phẩm: Có khu vực lưu mẫu, hồ sơ lưu mẫu và thực hiện chế độ lưu, hủy mẫu theo yêu cầu bảo quản của từng loại mẫu.
(Căn cứ Nghị định 17/2020/NĐ-CP; Nghị định 77/2016/NĐ-CP)
Thủ Tục Thành Lập Công Ty Sản Xuất Kinh Doanh Đồ Uống Có Cồn
Bước 1: Chuẩn bị thông tin thành lập doanh nghiệp
– Loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với công ty mình. Hiện nay, có những loại hình doanh nghiệp phổ biến như sau: Công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên), công ty hợp danh và công ty cổ phần
– Tên doanh nghiệp: Doanh nghiệp lưu ý tên doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện sau:
- Không đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với những doanh nghiệp đã đăng ký trước đó.
- Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Địa chỉ trụ sở:Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có); Lưu ý: Địa chỉ trụ sở chính của công ty không được là chung cư hoặc nhà tập thể.
– Vốn điều lệ: Đối với Công ty sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn không phải ngành nghề yêu cầu vốn pháp định. Vì vậy, pháp luật không quy định mức vốn tối thiểu và tối đa. Lưu ý: Vốn điều lệ phải được góp đủ trong 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép DKKD. Trường hợp đối với công ty cổ phần nếu Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần có quy định mức thời hạn ngắn hơn thì phải tuân theo quy định đó.
– Ngành nghề kinh doanh:
Doanh nghiệp có thể kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, có thể chuyên về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn hoặc kinh doanh thêm những ngành nghề phụ bên cạnh các ngành nghề về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu;
b) Điều lệ công ty ( áp dụng đối với loại hình công ty hợp danh, công ty TNHH, Công ty cổ phần)
c) Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh);
d) Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
e) Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền
Bước 3: Nộp Hồ sơ:
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai cách sau:
Cách 1: Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: gov.vn
Bước 4: Nhận kết quả:
Sau 3 ngày làm việc, phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả xử lý hồ sơ, nếu hồ sơ ra thông báo bổ sung, doanh nghiệp sửa hồ sơ và nộp lại từ đầu. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp đến phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.
Mọi thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN VÀ KIỂM ĐỊNH KENA
Địa chỉ: Số 9/242 Đường Chùa Vẽ – Phường Đông Hải 1 – Quận Hải An – TP. Hải Phòng
Hotline: 0936300168 – 0393.427.049
Email: kena@kenavn.com
Website: www.kenavn.com